Trái Phiếu Doanh nghiệp Phát hành Riêng Lẻ – Giải cứu?

Ls Nguyễn Tuấn Minh
March 7, 2023
#CorporateBond, #BondPrivatePlacement #FinancialMarkets #Vietnamlaw

Sau một loạt vụ lùm xùm, bê bối, án từ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam rơi vào tình trạng chìm lắng sau khi Chính phủ ban hành Nghị Định 65/2022 sửa đổi bổ sung Nghị định 153/2020 về trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ có hiệu lực ngày 16/9/2022. Kể từ đó đến nay do các quy định ngặt nghèo về trình tự, thủ tục, điều kiện phát hành trái phiếu, điều kiện của nhà đầu tư trái phiếu là cá nhân của Nghị định 65/2022 thay đổi nhiều và chặt chẽ làm hầu như kênh huy động vốn này của Doanh nghiệp bị đứt mạch, không có lô trái phiếu nào phát hành được, thị trường thứ cấp của nhà đầu tư cá nhân cũng bị gián đoạn đột ngột do số lượng nhà đầu tư cá nhân đủ điều kiện sụt giảm mạnh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đối mặt với thanh khoản thị trường thắt chặt, huy động vốn từ kênh ngân hàng cũng bị tê liệt do ngân hàng thương mại không còn room tăng trưởng tín dụng trong suốt năm 2022, thị trường bất động sản rơi tự do, thị trường chứng khoán lình sình và thường xuyên đỏ lửa, sức ép của hàng trăm nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp còn dự nợ sắp đến ngày đáo hạn. “Giải cứu” trở thành câu cửa miệng không chỉ của các Doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản, “giải cứu” cũng được trở câu cửa miệng với thị trường trái phiếu.
Vấn đề sửa đổi Nghị định 65/2022 được đặt ra và sau gần 6 tháng, chắc là do vấn đề này càng ngày càng trở nên cấp thiết, bằng thủ tục rút gọn, Chính Phủ đã ban hành Nghị định 08/2023 sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều của Nghị định 65/2022 vào ngày Chủ nhật 05/3/2023 có hiệu lực cùng ngày.
Nghị định 08/2023 đưa ra 3 nhóm giải pháp:
1. Cho phép tổ chức phát hành khi không thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tiền có thể đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán bằng tài sản khác theo nguyên tắc tuân thủ quy định của pháp luật, được người sở hữu trái phiếu chấp thuận và Tổ chức phát hành phải công bố thông tin và chịu trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
Quy định giúp luật hóa rõ ràng quyền này cho Doanh nghiệp là cái tốt. Tuy vậy nó không thực sự đem lại nhiều ý nghĩa. Trong thực tiễn, Doanh nghiệp rơi vào tình trạng không có tiền để thanh toán nợ mà họ còn có tài sản khác, họ sẽ thương lượng với chủ nợ nhận thanh toán nợ bằng tài sản khác trên cơ sở của pháp luật dân sự hiện hành.
2 Cho phép các trái phiếu đã phát hành trước đây còn dự nợ thì được đàm phán để thay đổi kỳ hạn của trái phiếu, thời gian tối đa là 02 năm nếu được 65% trái chủ đồng thuận. Tuy nhiên Nghị định 08/2023 lại thêm quy định nếu có trái chủ không chấp thuận thì doanh nghiệp phải thanh toán đủ theo đúng phương án phát hành đã công bố và còn làm rõ là kể cả trong trường hợp đã được 65% trái chủ chấp thuận.
Đây cũng là một quy định luật hóa quyền này cho tổ chức phát hành. Tuy nhiên chắc cũng không đem lại nhiều ý nghĩa. Thực chất với quy định hiện hành về trái phiếu, việc thay đổi kỳ hạn (thanh toán) của trái phiếu là việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu và Tổ chức phát hành có thể thực hiện được điều này nếu được 65% hoặc hơn các trái chủ chấp thuận và theo cơ chế thỏa thuận của các bên kỳ hạn trái phiếu có thể được lùi nhiều hơn 2 năm. Nếu căn cứ pháp luật dân sự hiện hành, con nợ và chủ nợ trong mọi trường hợp có thể thương lượng riêng rẽ về việc gia hạn thời hạn thanh toán và theo thỏa thuận thời hạn thanh toán có thể nhiều hơn 2 năm. Như vậy Nghị định 08/2023 quy định 2 năm thực chất còn hạn chế quyền dân dự của các chủ thể. Thêm nữa quy định bổ sung trái chủ nào không chấp thuận thì phải được doanh nghiệp thanh toán đầy đủ gốc, lãi trái phiếu trước sẽ làm cho quy định này trở thành bất khả thi trong thực tế vì lý do rất đơn giản, sẽ không trái chủ nào dại đồng ý cho gia hạn và để người khác được thanh toán trước mình.
3. Cho lùi thời hạn thi hành 03 quy định của NĐ 65/2022 đến 31/12/2023 trong đó có quy định về xác định tư cách nhà đầu tư Chứng khoán Chuyên nghiệp là cá nhân (là phải: “đảm bảo danh mục Chứng khoán niêm yết nắm giữ có giá trị tối thiểu 02 tỷ đồng được xác định bằng giá thị trường bình quân theo ngày trong thời gian tối thiểu 180 ngày liền kề trước ngày xác định tư cách nhà đầu tư (không bao gồm giá trị vay giao dịch ký quỹ và giá trị chứng khoán thực hiện mua bán lại (hay theo thị trường gọi là repo chứng khoán)).
Quy định lùi thời hạn thi hành này hợp lý nhưng thời hạn lùi quá ngắn nên có thể không đạt mục tiêu do số lượng nhà đầu tư cá nhân đáp ứng điều kiện nhà đầu tư chuyên nghiệp của NĐ 65/2022 từ 1/1/2024 sẽ có thể không có nhiều do trong điều kiện thị trường chứng khoán của năm 2023 VNIndex có thể tiếp tục lình sình và nếu niềm tin và thanh khoản thị trường không cải thiện nhanh trong năm 2023 danh mục chứng khoán niêm yết nhà đầu tư đang nắm giữ bị sụt giảm rất lớn về giá trị nên nhiều nhà đầu tư cá nhân sẽ không giữ được điều kiện nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp của mình.
Tóm lại là fingers crossed thôi. Như Thủ tướng đã nó trong một chủ đề khác, không có ai giải cứu ai, pháp luật không đem lại phép nhiệm màu nào, Doanh nghiệp và nhà đầu tư hãy tự cứu mình.

Nếu có câu hỏi hay comments xin hãy liên hệ với chúng tôi tại contact@vietpremierlaw.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *