Mới – Ngôn ngữ Hợp đồng tiêu dùng

Ls Nguyễn Tuấn Minh
22.06.2023

#Vietnamlaw #contractlaw #Consumerprotection

Ở Việt Nam, nguyên tắc pháp lý cơ bản là các giao dịch, hợp đồng lập bằng văn bản thì phải lập bằng tiếng Việt. Trường hợp trong hợp đồng đó có 1 bên giao dịch là chủ thể nước ngoài, hợp đồng có thể được lập bằng ngôn ngữ nước ngoài được các bên thỏa thuận lựa chọn. Trường hợp các bên thống nhất lựa chọn lập hợp đồng song ngữ, các luật sư thường tư vấn và các bên sẽ thống nhất bổ sung vào trong hợp đồng một điều khoản theo đó làm rõ trường hợp có sự mẫu thuẫn trong cách hiểu hoặc diễn giải của cùng một điều khoản và về cùng một vấn đề do ngôn ngữ khác nhau của hợp đồng gây ra, bản hợp đồng bằng ngôn ngữ nào sẽ được ưu tiên áp dụng để diễn giải và áp dụng.

Tới đây có một thay đổi khá căn bản đối với vấn đề ưu tiên áp dụng bản hợp đồng được lập bằng nhiều ngôn ngữ của các loại hợp đồng tiêu dùng mà trong đó có một bên ký kết (tổ chức, cá nhân) là người tiêu dùng theo quy định của Luật Bảo Vệ Người Tiêu dùng năm 2023 vừa được Quốc hội 15 ấn nút thông qua mấy ngày trước. Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2024. Văn bản ban hành chính thức của Luật này hiện chưa được công bố và bình luận này hiện đang dựa trên văn bản đã trình ra Quốc hội để ấn nút phê duyệt.

Tại khoản 2 điều 23 của Luật Bảo Vệ Người Tiêu Dùng 2025 có quy định như sau: ” Ngôn ngữ sử dụng trong hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung là tiếng Việt. Các bên có thể thỏa thuận sử dụng thêm tiếng dân tộc khác của Việt Nam hoặc tiếng nước ngoài. Trong trường hợp có sự khác biệt giữa bản tiếng Việt với bản tiếng dân tộc khác của Việt Nam hoặc bản tiếng nước ngoài, bản có lợi hơn cho người tiêu dùng được ưu tiên áp dụng.”

Tuy đây có thể sẽ là một điều khoản tiến bộ và có lợi cho người tiêu dùng khi họ thường là bên yếu thế trong các giao dịch mua hàng hóa, dịch vụ để tiêu dùng từ các bên cung ứng trong nước hoặc nước ngoài tại Việt Nam, thực tế sẽ phát sinh một số vấn đề cần lưu tâm.

Luật hiện không có định nghĩa cũng như tiêu chí xác định thế nào là “có lợi hơn cho người tiêu dùng” và cũng không có quy định ai là người có thẩm quyền xác định thế nào là có lợi hơn cho người tiêu dùng. Như vậy có thể nhìn thấy khả năng các bên tranh chấp hợp đồng tiêu dùng có thể trước hết tạo một tranh chấp về việc xác định bản hợp đồng bằng ngôn ngữ nào là có lợi hơn để áp dụng và theo đó sẽ thấy có vẻ như các cấp có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng với người tiêu dùng (được quy định tại Chương 5 của Luật Bảo Vệ Người Tiêu dùng 2023) liên quan đến vấn đề bản Hợp đồng tiêu dùng bằng tiếng dân tộc hay tiếng nước ngoài là có lợi hơn cho người tiêu dùng sẽ cần phải được đào tạo, trau dồi kiến thức ngôn ngữ dân tộc, hoặc tiếng nước ngoài để có thể giải quyết được tranh chấp này. Điều này mà thực hiện được thì thật đáng mơ ước. Điều luật này cũng sẽ tạo ra cơ hội phát triển cho nghề phiên dịch giải quyết tranh chấp tại tòa án hay trọng tài, hay hòa giải và chắc cần phát triển nghề giám định ngôn ngữ ở Việt Nam nhỉ?

Các bạn quan tâm về Luật này có thể tìm hiểu thêm hoặc viết cho chúng tôi tại contact@vietpremierlaw.vn

3 thoughts on “Mới – Ngôn ngữ Hợp đồng tiêu dùng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *