Cho vay Ngang Hàng (P2P Lending) – Nguy cơ đổ vỡ ở Việt Nam và vấn đề pháp lý

30/11/2022
Cho vay ngang hàng và các vấn đề pháp lý liên quan

Vấn đề cho vay ngang hàng (“P2P Lending hay “P2P CrowdFunding”) chắc lại sớm trở thành đề tài nóng ở Việt Nam khi các công ty này đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ theo bài viết mới đây trên Báo Đầu tư.
Nguy cơ vỡ nợ, đổ vỡ mang tính dây chuyền này đã được nói nhiều trong suốt hơn hai năm vừa qua trước tình hình nở rộ các doanh nghiệp P2P Lending cả ngoại lẫn nội hoạt động ở Việt Nam trong bối cảnh sự đổ vỡ trên diện rộng với thiệt hại hàng chục tỷ đô la tại Trung Quốc trong thời gian đó do đó có thể nói điều này không có gì mới. Đặc biệt trong tình hình hiện nay khi thanh khoản thị trường ở Việt Nam bị thắt chặt, thị trường chứng khoán suy giảm bốc hơi hàng ngàn tỷ đồng, rất nhiều các tổ chức, doanh nghiệp đang gặp khó khăn về nguồn vốn, việc nhiều tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang đứng trước hoặc đã rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán nợ thì việc nhà đầu tư tháo chạy khỏi các doanh nghiệp P2P Lending này là điều rất dễ hiểu và nguy cơ vỡ nợ là rất hiện hữu.
Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra việc hiện nay Việt Nam thiếu một khung pháp lý cho hoạt động này và đây được coi là một phần nguyên nhân của việc không có sự kiểm soát sẽ dẫn đến nguy cơ đổ vỡ. Điều này vừa đúng và vừa sai.
Đúng và chỉ đúng một phần là hiện Việt Nam chưa có bất cứ văn bản pháp lý chuyên ngành nào điều chỉnh trực tiếp và cụ thể hoạt động cho vay ngang hàng ở Việt Nam. Tuy nhiên, không thể nói Việt Nam hiện nay không có khung pháp luật điều chỉnh hoạt động cho vay ngang hàng.
P2P lending dưới góc nhìn công nghệ thì thuần túy là nền tảng công nghệ tài chính mới, sáng tạo đem lại sự kết nối trực tiếp giữa người có nhu cầu vốn thẳng với người đang có vốn nhàn rỗi muốn đầu tư sinh lời và nó đem lại sự thuận tiện, cơ hội kết nối nhanh chóng cho cả hai bên vay vốn và cho vay vốn, và được đánh giá là đem lại hiệu quả cao hơn cho xã hội và làm đa dạng hóa các nguồn và khả năng đáp ứng nhu cầu vốn của người dân và doanh nghiệp.
Nếu Doanh nghiệp P2P Lending chỉ đơn thuần cung cấp hệ thống công nghệ/nền tảng/giải pháp cũng như cung cấp dịch vụ hệ thống công nghệ P2P lending để kết nối người vay và người cho vay sẽ không có gì cần phải bàn dưới góc độ pháp lý ở Việt Nam vì về bản chất các doanh nghiệp này hoạt động và cung ứng dịch vụ công nghệ theo khung pháp luật đã có của luật Việt Nam.
Tuy nhiên, rõ ràng với hiện trạng hoạt động của các doanh nghiệp P2P ở Việt Nam, cũng như bài báo đã chỉ ra các ý kiến của lãnh đạo VO247 và giả định ràng ở các doanh nghiệp cho vay ngang hàng khác đang hoạt động ở Việt Nam cũng làm như vậy, thì pháp luật Việt Nam hiện tại có khá nhiều và khá hoàn chỉnh các quy định điều chỉnh và như vậy các doanh nghiệp này đang đối mặt với các vấn đề pháp lý sau đây: (dưới góc nhìn tách bạch từng loại nghiệp vụ trong hoạt động cho vay ngang hàng (ngoài hoạt động dịch vụ cung ứng công nghệ đã nói trên) MẶC DÙ cần nhấn mạnh lại quy định rõ ràng đã có trong luật Doanh nghiệp Việt Nam là Doanh nghiệp được làm những gì mà pháp luật không cấm):
Nếu tách bạch nhìn riêng hoạt động huy động vốn của nhà đầu tư dưới các hình thức thỏa thuận giữa Doanh nghiệp với nhà đầu tư thì các hoạt động này rõ ràng có thể thực hiện theo quy định của Bộ Luật Dân Sự và nếu vay vốn của nhà đầu tư nước ngoài, Doanh Nghiệp sẽ chịu sự điều chỉnh bổ sung của các quy định pháp luật về vay vốn nước ngoài của Việt Nam. Nếu tách bạch hoạt động Doanh nghiệp cho người khác vay vốn thì dưới tinh thần của Luật Doanh nghiệp như đã nói trên pháp luật không cấm doanh nghiệp được cho người khác vay vốn khi có vốn nhàn rỗi và có thể áp dụng các quy định của Bộ Luật Dân sự. Bên cạnh hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng theo quy định của Luật các Tổ chức Tín dụng Việt Nam, hoạt động cho vay chuyên nghiệp của tổ chức được phép duy nhất là dịch vụ cầm đồ và rõ ràng là hoạt động cho vay ngang hàng hiện không phải là dịch vụ cầm đồ. Nếu tham chiếu quy định của Luật các Tổ chức Tín dụng Việt Nam đang có định nghĩa “hoạt động cho vay thường xuyên” là một hoạt động ngân hàng, chịu sự điều chỉnh của luật này và cần phải có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì quy định này đang đặt ra một nghi vấn liệu doanh nghiệp P2P Lending đang liên tục huy động vốn của nhà đầu tư và liên tục đem cho vay cho rất nhiều người có nhu cầu vay vốn trong xã hội là đang có vi phạm quy định của pháp luật về việc cung ứng dịch vụ ngân hàng không phép.
Nếu các nền tảng P2P Lending có sự kết nối tài khoản thanh toán của bên cho vay và bên đi vay và với chính doanh nghiệp P2P Lending để thực hiện các dịch vụ cho vay-đi vay, chuyển tiền vay, tiền trả nợ, bù trừ nghĩa vụ nợ… thì các hoạt động này hiện chịu sự điều chỉnh của Nghị định của Chính Phủ về thanh toán không dùng tiền mặt, cụ thể là các quy định về trung gian thanh toán, và là hoạt động nghiệp vụ cần có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, vậy không rõ các doanh nghiệp đã có các giấy phép này hay chưa? câu trả lời khá chắc chắn ở đây là chưa.
Trong các hoạt động cho vay P2P hiện nay, các doanh nghiệp và bên cho vay đang áp dụng các mức lãi suất vay vốn tương tự nghiệp vụ tài chính tiêu dùng tức là có mức lãi suất rất cao để bù đắp cho các rủi ro nợ xấu, rủi ro cho vay không có tài sản bảo đảm có quy mô lớn nên có khả năng các doanh nghiệp và bên cho vay có thể vi phạm các quy định của pháp luật dân sự về trần lãi suất cho vay dân sự, trần lãi suất nợ quá hạn dù thực tế họ có thể lách các quy định này sang các hình thức phí thu khác?
Pháp luật Việt Nam hiện hành cấm dịch vụ đòi nợ do đó nếu Doanh nghiệp P2P Lending khi nói rằng họ không làm dịch vụ ngân hàng không phép tức là họ không cho vay thì họ chẳng có cơ sở để đòi nợ còn việc doanh nghiệp đi đòi nợ để thu tiền trả cho các nhà đầu tư cho vay qua họ lại có thể rơi vào trường hợp vi phạm điều cấm
Chưa kể đến việc Việt Nam có một hệ thống pháp luật rất đầy đủ về phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố đòi hỏi các dịch vụ tài chính, thanh toán, chuyển tiền phải tuân thủ nghiêm ngặt về KYC khách hàng và nguồn tiền giao dịch, báo cáo dấu hiệu nghi vấn v.v. nếu tổ chức cá nhân liên quan không thực hiện sẽ gánh chịu các chế tài nặng nề, Việt Nam còn có một hệ thống pháp luật về kiểm soát ngoại hối rất chặt chẽ và đặc biệt và được bổ sung thêm các quy định về thanh toán không dùng tiền mặt sẽ đặt ra rủi ro vi phạm pháp luật vô cùng to lớn về các tội vận chuyển tiền trái phép qua biên giới, tội rửa tiền đối với các doanh nghiệp P2P Lending trá hình của các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở Việt Nam liên quan đến hoạt động tiền vốn đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam để cho vay, rút vốn về nước.
Do vậy, không chỉ các rủi ro tín dụng, thị trường, tài sản của hoạt động cho vay với các khoản vay to, nhỏ, không hoặc thiếu tài sản bảo đảm với quy mô danh mục rất lớn đang xảy ra mà báo chí đã nói đến hoặc tấm gương đổ vỡ ở Trung quốc hoặc nhiều nước khác đã cho thấy, rủi ro pháp lý của các chính nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia hoạt động cho vay ngang hàng ở Việt Nam hiện nay là rất cao.
Rõ ràng là sự cần thiết cần sớm có các quy định chuyên ngành cụ thể cho hoạt động này ở Việt Nam thực chất không phải là để có hành lang pháp lý rõ ràng, xác định làm gì là đúng, là sai, được và không được làm gì, mà còn là để bảo vệ được quyền, lợi ích của nhà đầu tư, doanh nghiệp và để hạn chế được thiệt hại cho xã hội, người dân và doanh nghiệp.

Quý vị có câu hỏi hoặc cần giúp đỡ, hãy liên hệ với chúng tôi: contact@vietpremierlaw.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *