Việt Nam có định nghĩa đầu tiên về Tiền Điện tử

#Vietnamlaws #bankinglaw #payments #eMoney #digitization #Cryptocurrency

Lần đầu tiên, hệ thống pháp luật của Việt Nam đã có một định nghĩa pháp lý về “Tiền Điện tử”. Tuy nhiên định nghĩa này có thể gây thất vọng với những ai có mong muốn về một tương lai phát triển của nền tài chính và kinh tế số ở Việt Nam.

Ngày 15/5/2024 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2024 về thanh toán không dùng tiền mặt. Cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định này là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Nghị Định 52/2024 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 tới đây. Nghị Định 52/2024 là văn bản pháp luật Việt Nam đầu tiên đưa ra (tại khoản 12 điều 3) định nghĩa “Tiền Điện tử’ theo đó quy định Tiền Điện tử là giá trị tiền Việt Nam đồng lưu trữ trên các phương tiện điện tử được cung ứng trên cơ sở đối ứng với số tiền được khách hàng trả trước cho ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (được cấp phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam) và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (được phép) cung ứng Dịch vụ Ví Điện tử. Nghị Định 52/2024 (tại khoản 1, điều 6) xác định “Ví điện tử” là phương tiện lưu trữ tiền điện tử và (tại khoản 16 Điều 3) định nghĩa “Dịch vụ Ví điện tử” là dịch vụ do ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (được cấp phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam) và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (được phép) cung ứng cho khách hàng để nạp tiền vào ví điện tử, rút tiền ra khỏi ví điện tử và thực hiện giao dịch thanh toán. Nghị định 52/2024 (tại khoản 3 Điều 6) quy định, ngoài các quy định khác, tổ chức cung ứng Dịch vụ Ví Điện tử chỉ được cho phép (một khách hàng) sử dụng Dịch vụ (Ví điện tử) đối với các Ví điện tử nếu có liên kết trực tiếp với tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của chính khách hàng.

Với định nghĩa trên và các quy định liên quan có thể thấy định nghĩa pháp lý đầu tiên của Việt Nam về “Tiền Điện tử” thực chất xác định chỉ là hình thức điện tử của đồng tiền thực, hợp pháp của Việt Nam là VND và giới hạn trong phạm vi dịch vụ trung gian thanh toán là Dịch vụ Ví Điện tử.

Với định nghĩa này, có thể sẽ có băn khoăn liệu nó có bao trùm khái niệm “Mobile Money” sử dụng thẻ điện thoại trả trước hay tài khoản thuê bao di động mà bộ Thông tin Truyền thông và các công ty viễn thông có đề cập và quảng bá nhiều trong thời gian qua? Với quy định hiện hành của Nghị định (có một số quy định riêng về dịch vụ được phép của doanh nghiệp được phép cung ứng dịch vụ bưu chính công ích) có thể hiểu vấn đề này được đưa vào trong quy định của nghị định về Tiền Điện tử và Dịch vụ Ví điện tử theo đó các doanh nghiệp bưu chính công ích, hoặc doanh nghiệp khác được cấp phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được cung ứng Dịch vụ Ví điện tử và sẽ tuân thủ các quy định về Tiền Điện tử và Dịch vụ Ví điện tử theo đúng nghị định này cũng như quy định và giấy phép của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Như vậy có thể thấy định nghĩa đầu tiên về Tiền Điện tử này của Việt Nam chưa phải là sự bắt đầu của việc đưa ra định hướng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với vấn đề tiền số, tiền mã hóa cũng như của việc định hình phát triển các tài sản số, phương tiện thanh toán số trong việc xây dựng và phát triển một nền tài chính số, nền kinh tế số ở Việt Nam trong tương lai gần. Thật đáng tiếc nếu Việt Nam sẽ lại chậm chân trong vấn đề này trong khi thế giới và ngay cả tại các nước trong khu vực Đông Nam Á đã có các bước tiến dài trong việc thử nghiệm, định hình phát triển khuôn khổ pháp lý về đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CDBC), tiền số, tài sản số và các giao dịch tài chính, kinh tế số.

Bạn có bình luận hay câu hỏi gì, xin hãy liên hệ với chúng tôi tại contact@vietpremierlaw.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *